Hiện nay các bộ dàn âm thanh hoàn chỉnh gồm loa, đầu đĩa... được nhiều hãng điện tử sản xuất để người dùng thuận tiện khi chọn lựa, lắp đặt và sử dụng.
Bộ dàn đóng gói sẵn có nhiều kiểu, lý tưởng nhất là bộ 5 “chấm” đầy đủ
Các hãng nước ngoài gọi những bộ dàn này là “home theatre in box” (HTiB - rạp hát tại gia đóng gói sẵn trong thùng), mặc dù từ đó không chuẩn. Bởi lẽ, “rạp hát tại gia” bao gồm rất nhiều thứ mà một thành phần quan trọng nhất là màn hình hiển thị, trong khi không có bộ HTiB nào có kèm màn hình. Thiếu màn hình hay TV, các thiết bị như loa, đầu của HTiB đó không còn giá trị, bởi âm thanh đó phải đi kèm hình ảnh hay video.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất và người chơi đã ngầm định khi nhắc đến HTiB là nhắc đến một bộ công cụ tương đối đầy đủ (có thể ở mức tối thiểu) để trình diễn hình ảnh - âm thanh đa kênh chuyên để xem phim, video, ca nhạc, truyền hình. Cần chú ý rằng không phải tất cả các HTiB đều bao gồm một thiết bị phát nguồn video như đầu DVD hay Blu-ray và có thể chúng không có ampli rời.
Âm thanh cho rạp hát tại gia là âm thanh vòm, ít nhất là hệ thống 5.1 (2 loa trước, 2 loa sau, 1 loa trung tâm và 1 loa siêu trầm). Nhưng cũng có những hệ thống loa 2.1 trên thị trường dùng hai loa và một loa siêu trầm đánh lừa đôi tai người nghe, khiến họ có cảm giác như nghe 5 loa và cũng có những loa trên một thanh đơn cũng cho cảm giác giả lập này. Các hệ thống loa dành cho máy tính ngày nay cũng có những loại 2.1 ( 2 loa trước và 1 loa trầm) hay 5.1( 2 loa trước, 2 loa sau và 1 loa trầm). Sự phân loại sau đây sẽ giúp người mua dễ lựa chọn theo nhu cầu của mình:
Hệ thống có các thành phần riêng biệt
Một số nhà sản xuất thay đổi mục tiêu với các thiết bị tiêu chuẩn, đưa chúng vào một HTiB. Cách đơn giản nhất là đặt một bộ các thiết bị thường thấy của công ty (mỗi thiết bị trong một thùng riêng) trong một thùng lớn. Điều này có nghĩa là bạn có thể tìm thấy một AV receiver rời với giá 299 USD, nhưng cũng có thể thấy nó trong một bộ HTiB giá 549 USD.
Tùy vào giá cả, hệ thống sẽ có hoặc không có đầu phát video. Mặt lợi của hệ thống như vậy là người ta biết rõ số lượng các thiết bị và dùng được chúng trong nhiều hoàn cảnh với nhiều kiểu loa khác nhau. Họ cũng có thể nâng cấp và mở rộng hệ thống sau này.
Đôi khi HTiB sẽ bao gồm các thành phần rời chỉ bán cho gói sản phẩm đó, nhưng không có nghĩa là chất lượng kém. Nhưng cũng cần chú ý không phải tất cả các nhà sản xuất thiết bị điện tử danh tiếng nào cũng tạo ra bộ loa hay. Do đó, khi thấy một chiếc AV receiver trong bộ đó tốt, bạn không nên giả định là loa của bộ đó cũng tốt. Điểm ưu thế khi chọn HTiB loại này là sự thuận tiện, không mất công xem xét loa nào đi với receiver và đầu đĩa nào.
Đầu điện tử “tất cả trong một” và loa
Đây là một kiểu HTiB điển hình, nhất là trong phân khúc giá rẻ, bao gồm một bộ loa kết nối đồng bộ với một thiết bị điện tử tích hợp mọi thứ. Đó thường là một AV receiver và một đầu đĩa thiết kế trong một khung vỏ duy nhất. Bộ sản phẩm loại này tốn ít chi phí sản xuất nên giá thành cũng rẻ hơn, có loại chỉ hơn 3 triệu đồng. Ưu điểm khác là thiết kế này cũng rất đơn giản khi lắp đặt, sử dụng bởi một điều khiển từ xa đã tích hợp khả năng vận hành mọi tính năng trong thiết bị đó.
Tuy nhiên, hạn chế của kiểu này là khó mở rộng và nâng cấp bởi không có đủ các cổng vào ra phụ thêm. Ampli tích hợp cũng không thể xử lý các loại loa khác cần công suất “kéo” lớn. Đôi khi các nhà sản xuất sẽ đặt bộ phận khuếch đại ở loa siêu trầm để cắt giảm một bộ nguồn.
Hệ thống 2.1
Có những hệ thống lấy mẫu “tất cả trong một” trên nhưng lại giảm số lượng loa chỉ còn 2 (đôi khi còn không có cả loa siêu trầm). Xử lý tín hiệu thường được dùng để “đánh lừa” tai người dùng, khiến họ nghĩ là căn phòng đầy ắp âm thanh được tạo ra từ 5 loa.
Ưu điểm của kiểu này là lắp đặt rất dễ, không có loa sau nên không phải chạy nhiều dây. Tất nhiên hạn chế bộc lộ rất rõ, bởi sẽ không cho cảm giác như các loa vòm thật sự. HTiB loại này có thể nâng cấp được nếu chúng dùng mạch xử lý DTS và giải mã Dolby Digital. Lúc đó, người dùng chỉ việc mua thêm 2 loa sau, loa trung tâm và ampli 3 kênh nữa để có bộ 5.1 hoàn chỉnh.
Hệ thống 1.1
Một thanh loa duy nhất chứa các mạch điện, driver, ampli...
Một khung vỏ duy nhất nhưng chứa rất nhiều thứ như loa chính, các thành phần điện tử, loa siêu trầm, hệ thống này được coi là đơn giản nhất, gọn gàng nhất. Chúng được gọi là “sound bar”, tái tạo âm thanh vòm nhưng chất lượng lại phụ thuộc vào căn phòng.
Những hệ thống loại này phụ thuộc nhiều vào âm thanh phản lại nên các gian phòng rộng, nhiều khoảng trống sẽ không thích hợp. Sự gọn nhẹ của nó tất nhiên sẽ đồng nghĩa với thiết kế kỹ thuật phù hợp cho gian phòng chật hẹp, không đủ chỗ để kê bộ loa vòm cồng kềnh.
HTiB “đóng gói”
Khi nhu cầu về sự gọn gàng lên tới đỉnh điểm, người ta đã sản xuất ra một HTiB thật sự đúng với nghĩa của nó, đó chính là những chiếc tivi màn hình phẳng cao cấp tích hợp sẵn loa vòm ảo.
Hoặc HTiB “đóng gói” còn thể hiện ở kiểu loa 3 trong 1 hay 5 trong 1, tất cả trên một khối, nhưng vẫn cần đến AV receiver riêng. Tất nhiên, chất lượng của chúng sẽ không làm người nghe khó tính thấy hài lòng và chỉ mang tính trang điểm cho một căn phòng.
Theo Hometheatermag
No comments:
Post a Comment