Monday, June 29, 2009

CHỌN HD-Ready hay Full-HD KHI MUA TIVI LCD?

Chọn HD-Ready Hay Full-HD?


Cũng là tivi LCD độ phân giải cao (HDTV) nhưng tivi gắn mác Full-HD có giá cao hơn rất nhiều so với HD-Ready. Nhiều người cho rằng HDTV phải là Full-HD, thế nhưng quan niệm này chưa chính xác. Cho dù tivi được gắn mác Full-HD hay HD-Ready cũng đều là dòng tivi có độ phân giải cao, được áp dụng công nghệ khác nhau nhưng vẫn hiển thị sắc nét hơn tivi bóng đèn thường.
Hai công nghệ này được phân biệt như sau:
HD-Ready cho phép trình chiếu các nội dung độ nét cao ở độ phân giải HD thông qua các giao tiếp component (Y/Pb/Pr), HDMI và DVI. Các tivi này phải có độ phân giải chuẩn (Native Resolution) thấp nhất là 720p để được gọi là tivi HD Ready. Chuẩn giao tiếp component (Y/Pb/Pr) dùng tín hiệu analog được hỗ trợ bởi các loại tivi HD nhằm tương thích với các nguồn nội dung HD hiện đang có trên thị trường, còn HDMI và DVI đều là chuẩn tín hiệu digital.
Một điểm quan trọng nữa là các tivi HD Ready không có khả năng xử lý tín hiệu tivi định dạng HD (không có bộ thu sóng tivi chuẩn HD, chỉ có bộ thu sóng tivi thường) và chỉ có thể hiển thị các nội dung định dạng HD từ các thiết bị phát như đầu đĩa, máy chơi game hoặc PC. Tuy nhiên, công nghệ HD-Ready vẫn phù hợp với nhu cầu hiện tại do giá rẻ và phù hợp với nguồn phát hiện nay.
Trong tương lại không xa, tất cả các HDTV sẽ sử dụng công nghệ Full-HD.
Full-HD cho phép xử lý và hiển thị tín hiệu tivi cũng như các nội dung HD khác ở độ phân giải 1080p, độ phân giải mặc định là 1920x1080. Ngoài ra, một số dòng tivi gắn mác Full-HD 1080i và 1080p cùng độ phân giải 1920x1080 nhưng thực chất khác nhau hoàn toàn.
Công nghệ HD 1080i có 1080 dòng quét xen kẽ (interlaced scan), nên để quét hết màn hình công nghệ này quét hai lượt, lượt đầu các dòng lẻ, lượt sau đó các dòng chẵn. Nói tóm lại, 1080i chỉ thể hiện được 540 dòng quét một lúc nên hình ảnh không đẹp bằng Full-HD khi chuyển hình ảnh từ khung này sang khung khác.
Công nghệ HD 1080p (chính là Full-HD) có 1080 dòng quét đồng bộ (progressive scan), cho phép thực hiện 1080 dòng quét một lúc nên hình ảnh mượt và rõ nét ngay cả khi chuyển tiếp giữa các khung hình. Có thể nói Full-HD là chuẩn cao nhất hiện nay đối với HDTV.
Nếu chỉ xem bằng đầu đĩa DVD thông thường, người xem sẽ không thấy sự khác biệt giữa hai loại tivi này. Để nhận thấy được sự khác biệt, phải sử dụng nguồn phát có độ phân giải cao tương ứng như xem từ đầu đĩa HD, Blu-ray hay các ổ đĩa có khả năng phát HD.
Một điểm dễ nhận thấy ở dòng tivi Full-HD là tivi phải có kích cỡ tối thiểu 40 inch trở lên và được tích hợp thiết bị thu, xử lý sóng tivi ở định dạng HD. Người tiêu dùng có thể dựa vào đặc tính này để biết các tivi dưới 40 inch không thể đáp ứng được chuẩn Full-HD. Chính vì thế, giá của HDTV Full-HD thường cao hơn nhiều với dòng HD-Ready. Đổi lại, người mua chọn Full-HD sẽ không phải đổi tivi mới trong một thời gian dài và được thưởng thức những bộ phim có độ phân giải cực cao.

Kết nối HDMI.
Khi chọn, người mua cần đặc biệt quan tâm đến cổng HDMI vì thiếu cổng kết nối này HDTV sẽ không hiển thị rõ nét như mong đợi. Hầu hết các HDTV hiện nay đều có sẵn cổng HDMI, nhưng một số tivi đời cũ có thể chưa được tích hợp.
Kết nối HDMI sẽ thay thế một loạt dây cáp khác nhau và các loại cổng để kết nối hình ảnh và âm thanh từ đầu đĩa và hệ thống loa. Với cổng HDMI, người dùng sẽ không phải nhức đầu với mớ dây cắm đằng sau máy. Một số dòng HDTV cho phép đồng bộ hóa với nhiều thiết bị khác tương thích với chuẩn HDMI để dùng chung bằng một điều khiển từ xa duy nhất. Người dùng không cần phải chuyển đổi qua lại giữa các điều khiển từ xa khi muốn thao tác chuyển đổi âm lượng hay chuyển sang bản nhạc kế tiếp.
Định dạng nguồn phát.
· Sau khi sắm được một chiếc HDTV, người tiêu dùng có thể hơi thất vọng khi muốn thưởng thức những thước phim đẹp mà không có đĩa để xem, trong khi đĩa DVD không đáp ứng được độ phân giải cao. Có thể giải quyết vấn đề này bằng cách sắm đầu đĩa Blu-ray hoặc tải các bộ phim trên mạng với chuẩn HD để xem. Trước khi tải, cần biết một số thuật ngữ để có được những thước phim đẹp, cụ thể là:
- CAM là phiên bản phim thường được tạo ra bởi một camera kỹ thuật số thường bị cắt xén, chất lượng xấu và bị rung. Âm thanh được thu từ một chiếc microphone tích hợp với camera nên chất lượng của những bản CAM rất xấu.
- TELESYNC (TS) gần giống như bản CAM nhưng có âm thanh khá hơn một chút do được thu từ thiết bị ngoài
- DVDscreen (DVDscr) là bản thu từ DVD nguyên gốc, sử dụng công nghệ băng ghi VHS. Sau khi ghi nó có thể được chỉnh sửa lại bởi người ghi. Ánh sáng có hơi tối so với.
- DVDrip là loại chất lượng đang được yêu thích nhất vì được nén từ nguyên bản DVD phát hành cuối cùng. Chất lượng của DVDrip cho hình ảnh đẹp, âm thanh tốt và kích thước được thu nhỏ.
- WORKPRINT (WP) là bản sao của một phim chưa hoàn chỉnh, có thể bị mất cảnh hoặc âm nhạc. Chất lượng có thể tuyệt vời, nhưng cũng có thể xấu hơn cả bản CAM.
- HD chính là phiên bản phục vụ cho HDTV, bởi độ nét được đặt lên hàng đầu. Hầu như những bản phim có đóng dấu HDTV đều là bản đẹp, có dung lượng từ 4GB trở lên. Người tải cũng nên chú ý những con số đằng sau chữ HDTV như 720p, 1080p. Dòng 720p thích hợp với TV HD-Ready, còn 1080p thích hợp với Full-HD. Những thước phim này cực nét như ở rạp chiếu phim.
- Wide Screen (WS) là phim dành cho màn ảnh rộng (nếu xem trên tivi thường thấy hai dải đen dọc theo chiều dài). Phim sẽ rất đẹp nếu xem trên tivi Wide Screen.
Chất lượng phim được đánh giá như sau: CAM <>
Một lời khuyên nhỏ cho những ai đang muốn sắm HDTV là cần xác định rõ nhu cầu sử dụng. Nếu chỉ đơn thuần xem phim trên đĩa DVD và xem các kênh trên truyền hình cáp thì nên mua dòng HD-Ready để có độ phân giải phù hợp. Dòng Full-HD sẽ phát huy hết sức mạnh khi có nguồn phát phù hợp, cho nên nếu chỉ dùng để xem truyền hình thông thường thì chất lượng hiển thị không như ý.

Tuesday, June 16, 2009

BA CÁCH CHỐNG SAY TÀU XE

Ba cách hiệu quả chống say xe


Xin giới thiệu bài viết của tác giả Dave Trần về nguyên nhân và phương pháp chống say xe, bên cạnh mẹo như dùng gừng theo dân gian.

Trước đây tôi cũng hay say nên rất hiểu và thông cảm với những ai phải đi lại nhiều. Tuy nhiên, tôi đã hoàn toàn hết say sau khi áp dụng thành công 3 cách là sử dụng thuốc chống say máy bay, tự cầm lái (thực tế là chẳng tài xế nào say), tập luyện và tuân theo các quy tắc khi ngồi trên ôtô.

1. Sử dụng thuốc chống say máy bay: Áp dụng cách này nếu bạn muốn đơn giản và hiệu quả, mỗi một lượt đi xe dùng 2 viên. Bạn ra hiệu thuốc mua 2 viên thuốc chống say máy bay (viên trắng nhỏ, loại của Pháp). Ăn no, không nhịn đói, uống đủ nước và 2 viên thuốc 30 phút trước khi bước lên xe.

Đặc biệt chú ý là bạn phải uống thuốc ít nhất 30 phút trước khi lên xe, không được uống kèm với bất kỳ thuốc chống say nào khác. Nếu không thuốc không có tác dụng. Hiệu quả rất cao, gần như không gây buồn ngủ hay say thuốc. Nhiều người say lên say xuống nhưng khi uống thấy cực kỳ hiệu nghiệm, đi hàng trăm km không cảm thấy gì.


Đọc sách báo là một trong những nguyên nhân gây say xe. Ảnh: MSN.
2. Tự cầm lái: Nếu bạn có điều kiện, hãy đi học lái xe và tự cầm lái. Vợ của một người bạn tôi cũng rất say xe. Chồng cô ấy chữa bằng cách bắt tự lái. Một thời gian sau chẳng thấy say nữa.

3. Luyện tập và tuân thủ các quy tắc: Ngồi cùng hướng với xe (mặt cùng hướng xe di chuyển, tuyệt đối không ngồi quay ngược lại), không nằm. Mắt nhìn đường qua kính chắn gió, quan sát tình huống giao thông trên đường, tưởng tượng như mình đang lái xe vậy. Bạn hạn chế nhìn qua cửa kính, không nhìn các vật quá gần di chuyển lướt qua liên tục sẽ chóng mặt.

Không ngồi ở cuối xe. Nên ngồi ghế nằm trên trục/cầu sau xe bởi vị trí này ít bị lạng nhất khi xe rẽ. Dùng bông gòn nhét vào hai tai, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều khi không nghe tiếng động cơ gầm rú.

Đừng xuống kính và nên đi xe có điều hòa. Vì xuống kính sẽ có khói xăng vào xe. Nếu điều hòa hôi, có thể dùng quả quít, quả dứa để khử mùi. Bạn không được đọc bất cứ thứ gì trên tay (sách báo/điện thoại di động/laptop...), hạn chế tối đa việc nhắn tin vì các hành động này làm cho tiền đình phải hoạt động mạnh hơn bình thường, gọi điện thoại thì có thể được.

Khi xe phanh, hít thở từ từ, hít thật sâu dần dần cho đến khi thật căng hai lá phổi, giữ lấy hơi, không được thở ra vội vàng, giữ hơi đến khi xe giảm tốc hoàn toàn và bắt đầu chuyển động đều thì thở nhẹ ra nhưng thật từ từ, tiếp theo là hít thở sâu khoảng 2, 3 lần nữa.

Động tác này rất quan trọng, rất nhiều người say đã bị nôn khi xe phanh gấp hoặc đang đi dừng hẳn lại để bắt khách. Việc hít thở sâu và thở ra thật từ từ giúp cho cơ thể có nhiều ôxy, giữ hơi, đồng thời đây là một "tiểu xảo" để làm giảm sự nhạy cảm của tiền đình.

So với cách đầu tiên dùng thuốc thì cách này hơi phức tạp, đòi hỏi bạn phải tuân thủ đúng mới có hiệu quả. Tuy nhiên nếu áp dụng thành công bạn sẽ thấy rất vui, vì từ nay có thể đi du lịch, công tác xa thoải mái bằng ôtô mà không phải lo say nữa. Tôi đã chia sẻ phương pháp này với nhiều người, và phần lớn họ thấy hiệu quả.

Tôi và em trai đều là những người to khỏe nhưng trước đây đi tàu xe rất khổ, chỉ 15-20 km đã bị. Mỗi lần say thì như một trận ốm nặng, chẳng còn thiết tha đi tham quan du lịch gì nữa. Vốn là người cứng đầu, tôi không cam chịu việc say xe "lãng xẹt" như vậy.

Tôi đã suy nghĩ và tìm hiểu rất nhiều. Điều gì làm người ta bị say. Tại sao có người bị có người không? Sao đi xe máy không say, ngồi ôtô lại say dù vẫn là chuyện ngồi trên một vật khác di chuyển đưa cơ thể ta di chuyển theo. Câu trả lời nằm ở tiền đình của con người. Sở dĩ con người có thể đứng, đi bộ, leo cầu thang, đi thăng bằng (diễn viên nhào lộn), di chuyển linh hoạt trên đôi chân của mình mà không bị ngã là nhờ có tiền đình.

Tiền đình giúp cơ thể cảm nhận không gian, kiểm soát trạng thái thăng bằng. Bạn nhắm mắt cũng biết đang đứng thẳng/đứng nghiêng hay dốc ngược đầu, hay như khi bạn đi trong bóng đêm, không cần mắt để giữ thăng bằng. Tiền đình hữu ích như vậy, nhưng với những người say xe - những người có tiền đình quá nhạy cảm - nó lại là vấn đề.

Khi người bị say đi xe ôtô, tiền đình họ hoạt động mạnh hơn lúc bình thường. Nó cố gắng cảm nhận không gian và vị trí tương đối của cơ thể. Tuy nhiên, cùng lúc đó, 2 giác quan khác là mắt và tai cũng hoạt động tích cực. Thông tin thu nhận từ 3 cơ quan này không thống nhất, dẫn đến cơ thể mất kiểm soát thăng bằng và bắt đầu nôn nao.

Ví như xe ôtô phanh gấp, hoặc tăng tốc, tiền đình cảm nhận gia tốc thay đổi, tuy nhiên mắt người nhìn nội thất/một số vật nằm trong xe không chuyển động so với cơ thể, nên hai thông tin từ thị giác và tiền đình là không thống nhất.

Tai nghe tiếng máy rú to gây cảm giác xe chạy nhanh, nhưng có thể thực sự lúc đó xe không chạy nhanh và tiền đình cảm nhận xe chạy không nhanh (do tài xế chạy ép số thấp, khi lên dốc chẳng hạn). Sự không nhất quán giữa tiền đình, mắt và tai gây ra cảm giác say cho cơ thể. Vậy mọi phương pháp tập luyện hay quy tắc đi xe đều phải xoay quanh vấn đề giảm bớt sự nhạy cảm của tiền đình (tạm thời "tắt" nó đi).

Bạn sẽ để ý những điều khuyên không nên làm khi đi ôtô ở trên cũng đều từ nguyên lý này: ngồi ngược, nằm, đọc sách, nhìn vào nhà cửa xe cộ lướt qua liên tục... là những hành động làm cho tiền đình phải hoạt động mạnh hơn.

Chúc các bạn thành công và không còn say xe nữa.

Dave Tran